Trao đổi về tình hình kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Lào, ông Trần Bảo Giám, Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong số các nước đầu tư tại Lào với tổng số vốn đầu tư tích lũy vào khoảng trên 5 tỷ USD tại hơn 270 dự án.
Theo ông Giám, từ những năm 2003 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào Lào trên tất cả các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, thủy điện, khai thác khoáng sản, nông lâm nghiệp, viễn thông, dịch vụ thương mại, bất động sản… Điển hình như các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Cao su Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Than khoáng sản… Các doanh nghiệp này đã góp phần phát triển kinh tế Lào, là hạt nhân trong việc thu hút các công ty nhỏ và vừa của Việt Nam đầu tư vào Lào.
Về quan hệ thương mại, do có biên giới đất liền chung dài, quan hệ thương mại Việt Nam và Lào mang tính truyền thống bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và ngày càng được quan tâm phát triển. Kim ngạch thương mại luôn tăng trưởng trên dưới 20% trong giai đoạn 2008 – 2014.
Hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hai bên dành cho nhau những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thỏa thuận tạo điều kiện cho người, hàng hóa và phương tiện của hai nước qua lại biên giới, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ hai bên. Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch thương mại song phương có xu hướng giảm do giá cả trên thị trường thế giới giảm, Lào cấm xuất khẩu gỗ bán thành phẩm và chỉ cho xuất khẩu gỗ thành phẩm. Trong khi đó, kim ngạch mặt hàng gỗ chiếm tới trên 60% kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam.
“Phải nói rằng, người tiêu dùng Lào rất ưa chuộng hàng hóa Việt Nam, chất lượng mẫu mã không thua kém gì hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, một số mặt hàng chưa được chú trọng in ấn thông tin về hàng hóa trên bao bì”, ông Giám cho biết.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Lào là xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải, phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, than đá, rau quả, hàng dệt may, dây điện và dây cáp điện. Trong đó, nổi bật là xăng dầu và sắt thép, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào, chiếm từ 40-45%. Hàng nhập khẩu từ Lào chủ yếu là gỗ và các sản phẩm gỗ, chiếm khoảng 65-70% kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Lào.
Ông Giám cũng cho hay, Hiệp định thương mại song phương và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào ký năm 2015 đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp ổn định, lành mạnh, xóa bỏ thuế quan và rào cản. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều cản trở, khó khăn như kết nối giao thông giữa hai nước chưa thực sự thuận lợi, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu còn mất nhiều thời gian, phiền hà, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào khó tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại…
“Tôi cho rằng, để mở rộng sản xuất kinh doanh tại Lào, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu, khảo sát, nắm chắc nhu cầu thị trường, luật pháp, phong tục tập quán. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, cần nghiên cứu kỹ Hiệp định thương mại song phương và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào ký năm 2015 để tranh thủ được những ưu đãi dành cho hàng hóa và doanh nghiệp, tham khảo ý kiến của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào”, ông Giám cho biết thêm.